Bài viết nhằm chia sẻ quan điểm cá nhân của mình về hai lĩnh vực SysOps và DevOps đang khá hot trong xu hướng công nghệ thông tin hiện nay.
Làm việc trong môi trường Hosting Provider, mình thường xuyên tham gia các công việc liên quan đến SysOps và DevOps. Do đó, mình tạo ra Blog này nhằm mục đích đúng với tên gọi của nó “Study Space SysDevOps” sẽ là Không gian học tập về chủ đề SysDevOps của mình, và mình rất vui được chia sẻ đến những bạn có cùng hướng đi trở thành một chuyên gia SysOps có cả kinh nghiệm và kỹ năng của một DevOps.
Những bạn làm việc ở môi trường khác có thể sẽ có góc nhìn khác. Mình rất vui và mong muốn các bạn để lại bình luận, trao đổi ý kiến để chúng ta cùng nhau học hỏi, phát triển.
SysOps là gì?
System Operations – SysOps hay còn có các tên khác như System Administration – SysAdmin, Operations Engineer, Infrastructure Management,…
Nhìn chung thì các chức danh này có cùng một xuất phát điểm và tính chất công việc gần như nhau. Tuy nhiên, tùy theo lĩnh vực và quy mô hoạt động của từng công ty mà chúng ta có thể phân chia những chức danh này ra thành nhiều chuyên ngành cụ thể hơn.
Ví dụ tại công ty mình đang làm việc, mình được phân công theo dõi và quản trị đồng thời nhiều hệ thống khác nhau như: Quản trị cơ sở dữ liệu (Database Administrator), Quản trị Web Server (Web Administrator), Quản trị Mail Server (Mail Administrator), Quản trị mạng máy tính (Network Administrator), Quản trị hệ thống Cloud (Cloud Administrator), Quản trị hệ thống lưu trữ dữ liệu (Storage Administrator), Quản trị hệ thống VPS, DNS, …. Nếu mà chia nhỏ ra để gọi thì còn có rất nhiều cái tên khác.
Tên gọi không quá quan trọng vì thực tế nghành này rất nhiều hướng và nếu chuyên sâu thì có thể đi sâu từng mảng riêng. “Nếu làm rất tốt một việc, bất kì ai cũng có thể trở thành một chuyên gia trong lĩnh vực của mình.”
Để trở thành một SysOps cần trang bị những gì?
Trước hết là phải nắm vững kiến thức về Network. Các bạn có thể học thông qua chương trình CCNA hoặc CCNP. Đây chính là mạch máu của mọi hệ thống, nếu không biết gì về đường truyền thông tin thì một admin chẳng khác nào bác sĩ mà không biết con đường tuần hoàn máu.
Tiếp đến là các kiến thức về hệ điều hành như Linux, Windows là rất quan trọng. Bởi hầu hết các dịch vụ đều chạy trên các hệ điều hành này. Nếu không biết cách sử dụng và quản trị trên hệ điều hành thì một admin cũng chẳng khác nào “cầm lái ô tô mà không phân biệt được chân ga và chân thắng”. Riêng với Linux, đây là hệ điều hành phổ biến được sử dụng nhiều nhất cho các Server hiện nay. Do đó, kiến thức Linux Adminstration là rất cần thiết, thường được thể hiện qua các chứng chỉ như LPIC hay RHCE sẽ rất có lợi cho việc tìm việc làm. Ở môi trường mình làm đa số là tiếp xúc với Linux và thế giới OpenSource.
Sau khi đi làm, mỗi người sẽ dần chuyên sâu hơn vào một lĩnh vực cụ thể. Tuỳ vào công việc và lĩnh vực được phân công mà các bạn có thể bỗ trợ thêm những kiến thức cho phù hợp.
Quản trị hệ thống càng lớn thì cho bạn càng nhiều “Kiến thức, kinh nghiệm và trãi nghiệm”. Ở công ty hiện tại mình làm thì còn khá nhỏ về quy mô và lĩnh vực hoạt động, chủ yếu là cung cấp dịch vụ & giải pháp đến khách hàng. Dù vậy, đây vẫn là cơ hội tốt để tích lũy thêm kinh nghiệm ban đầu. Chỉ cần tuân thủ nguyên tắc “học đi đôi với hành”, từng bước mở rộng kiến thức thì tương lai là vô hạn.
Một số khó khăn của SysOps
Sống chung với sự cố là một trong những thách thức lớn nhất của một SysOps. Sự cố có thể xuất phát từ các nguyên nhân khách quan nằm ngoài tầm kiểm soát, chẳng hạn như lỗi phần cứng, mất điện, sự cố mạng. Tuy nhiên, đôi lúc chúng cũng mang yếu tố chủ quan do chính sai lầm của người quản trị. Do kiến thức và kinh nghiệm còn hạn hẹp, nhiều khi chúng ta coi một sự cố là khách quan trong khi thực chất đó là hệ quả của sự thiếu hiểu biết.
Để hạn chế tối đa các sự cố, người quản trị cần phải tìm hiểu kỹ càng về hệ thống, từ phần cứng đến phần mềm. Phải nắm chắc các tình huống có thể xảy ra và biện pháp khắc phục để kịp thời xử lý khi sự cố xảy ra. Đồng thời, việc theo dõi, giám sát hệ thống liên tục cũng giúp phát hiện sớm các dấu hiệu bất thường và ngăn ngừa được nhiều sự cố lớn hơn.
Bên cạnh áp lực về chuyên môn, kỹ thuật viên còn phải đối mặt với áp lực tinh thần rất lớn. Hệ thống luôn hoạt động 24/7 nên mọi người trong team luôn phải sẵn sàng ứng trực để giải quyết sự cố bất cứ lúc nào, bất kể ngày đêm. Nửa đêm tỉnh giấc vì điện thoại reo, thông báo hệ thống gặp sự cố là chuyện thường ngày. Chưa kể những áp lực từ khách hàng khi dịch vụ gặp sự cố, thời gian khắc phục bị kéo dài.
Để đối phó với sự cố, bên cạnh kiến thức chuyên môn sắc bén, kỹ năng phân tích, xử lý tình huống cũng cần phải được rèn luyện. Việc sao lưu, backup dữ liệu thường xuyên cũng là biện pháp quan trọng giúp hạn chế thiệt hại khi sự cố xảy ra. Ngoài ra, sự đoàn kết, giúp đỡ lẫn nhau trong nội bộ team cũng góp phần giảm bớt áp lực cho từng cá nhân trong những tình huống khẩn cấp.
Nhìn chung, sống chung với sự cố là một thử thách vô cùng lớn đối với một người theo mảng SysOps. Chỉ những người đam mê với công việc, kiên trì học hỏi mới có thể vượt qua được.
DevOps là gì?
Đây chắc hẳn là từ khoá được được nhiều người quan tâm nhất trong lĩnh vực công nghệ thông tin hiện nay. Nhưng cũng có nhiều người chưa thực sự hiểu được ý nghĩa công việc của DevOps là gì.
DevOps không được xem là tên của một nghề cụ thể mà chính là một văn hóa làm việc đề cao sự hợp tác, kéo hai giai đoạn Phát triển tính năng sản phẩm (Development) và Vận hành (Operations) xích lại gần nhau hơn trong quản lý dự án phần mềm. Cụ thể, DevOps kết hợp các quy trình, thực hành, công nghệ và các công cụ giúp tự động hóa toàn bộ quá trình phát triển, triển khai và bảo trì ứng dụng.
Nguyên tắc cơ bản của DevOps là thúc đẩy sự hợp tác chặt chẽ giữa hai nhóm phát triển và vận hành thông qua việc chia sẻ kiến thức, trao đổi thông tin liên tục. DevOps loại bỏ sự chia cắt truyền thống giữa hai giai đoạn phát triển và vận hành, thay vào đó khuyến khích các nhóm cùng nhau làm việc từ đầu đến cuối quá trình phát triển và triển khai sản phẩm.
Việc áp dụng DevOps mang lại nhiều lợi ích đáng kể. Trước hết, nó giúp đơn giản hóa quy trình phát triển, loại bỏ các khâu trung gian phức tạp như kiểm thử chéo giữa các nhóm. Điều này giúp rút ngắn thời gian phát triển và triển khai các bản cập nhật, nâng cao khả năng phản hồi nhanh của hệ thống. Bên cạnh đó, việc tích hợp liên tục giữa các khâu giúp phát hiện và sửa lỗi sớm hơn, đảm bảo chất lượng tốt hơn cho các ứng dụng.
Với sự hỗ trợ của các công cụ tự động hóa, DevOps cho phép triển khai liên tục các tính năng mới hoặc bản cập nhật lỗi một cách nhanh chóng và an toàn. Các thao tác tự động giúp rút ngắn thời gian phát triển và triển khai từ tuần hoặc tháng xuống còn vài giờ hay phút. Bằng cách giảm tần suất phát sinh lỗi và rút ngắn thời gian sửa lỗi, DevOps góp phần tăng độ ổn định và khả năng phục hồi nhanh của hệ thống, đảm bảo trải nghiệm tốt cho người dùng.
Để trở thành một DevOps cần trang bị những gì?
Không giống như SysOps chỉ cần có kiến thức cơ bản về hệ điều hành Linux và Network, DevOps yêu cầu người làm nghề phải am hiểu sâu rộng nhiều lĩnh vực liên quan. Ngoài những kiến thức cần thiết mà một SysOps được trang bị, người làm DevOps phải nắm vững các ngôn ngữ lập trình phổ biến, am hiểu sâu về quy trình phát triển phần mềm (SDLC) cùng các kỹ thuật quản lý dự án hiện đại.
Họ cần nắm chắc những công cụ, công nghệ mới nhất phục vụ công tác triển khai, vận hành ứng dụng như Git để kiểm soát phiên bản, Docker để đóng gói và triển khai ứng dụng, Kubernetes giúp quản lý các container trong môi trường điện toán đám mây, Jenkins hoặc Gitlab CI/CD để tự động hóa quy trình phát triển và triển khai phần mềm, các công cụ Monitor như Grafana, Prometheus,…
Ngoài ra, họ còn cần nắm vững kiến thức về mô hình triển khai và vận hành ứng dụng trên môi trường điện toán đám mây như AWS, Azure, GCP… để có thể xây dựng hạ tầng, triển khai và quản trị các dịch vụ đám mây một cách hiệu quả, đảm bảo an toàn, ổn định.
Để có thể biết thêm chi tiết hơn cần trang bị những gì, các bạn chỉ cần lên Google và tìm, sẽ có vô vàn trang web nói về chủ đề này. Ở đây mình sẽ không liệt kê hết được.
Roadmap Devops: https://roadmap.sh/pdfs/roadmaps/devops.pdf
Một số khó khăn của DevOps
Khó khăn của người làm DevOps còn phải chịu trách nhiệm về mặt quản lý dự án phần mềm, điều phối công việc giữa nhóm phát triển và vận hành, đảm bảo các yêu cầu về chất lượng phần mềm, an ninh, hiệu suất luôn được đáp ứng. Họ phải xây dựng được mối quan hệ hợp tác chặt chẽ giữa các bộ phận trong công ty, thúc đẩy việc áp dụng các phương pháp luận, công cụ hiện đại để đơn giản hóa quy trình phát triển phần mềm, đẩy nhanh tốc độ triển khai.
Nếu bạn là một DevOps có rất nhiều kinh nghiệm nhưng lại không giỏi trong vấn đề giao tiếp, không chiếm được thiện cảm của người khác trong team thì rất khó để làm việc.
Nói tóm lại, vai trò DevOps đòi hỏi người làm nghề phải đa tài, vừa hiểu biết sâu về kỹ thuật lập trình, hệ điều hành và công nghệ đám mây, vừa phải có kỹ năng mềm trong quản lý dự án, thúc đẩy hợp tác giữa các bộ phận phát triển và vận hành phần mềm, nhằm tối ưu hóa toàn bộ quy trình phát triển và triển khai ứng dụng.
Xu hướng phát triển của SysDevOps
Trong thời đại công nghệ thông tin hiện nay, vai trò của SysOps là vô cùng quan trọng trong việc quản lý, đảm bảo vận hành và bảo trì hạ tầng để triển khai ứng dụng một cách ổn định. Nhưng với sự phát triển của DevOps, SysOps cần phải thích nghi và mở rộng kiến thức để đáp ứng xu hướng mới này.
Xu hướng phát triển của một SysOps có kinh nghiệm DevOps là khả năng tự động hóa quy trình triển khai và quản lý hạ tầng. Điều này yêu cầu SysOps không chỉ có kiến thức về các công nghệ và công cụ tự động hóa như Puppet, Ansible, Docker, Kubernetes, mà còn phải hiểu rõ về quy trình phát triển phần mềm và quản lý dự án. SysOps cần phối hợp chặt chẽ với nhóm phát triển để đảm bảo quy trình triển khai ứng dụng mượt mà và hiệu quả. Cần có khả năng phân tích và giải quyết các vấn đề nhanh chóng và một tư duy logic để tối ưu hóa hiệu suất và khả năng mở rộng của hệ thống.
Hơn nữa, một SysOps cần theo dõi và áp dụng những xu hướng mới nhất trong công nghệ và phát triển phần mềm để nắm bắt những công cụ và phương pháp tối ưu nhất. Cần liên tục nâng cao kiến thức và kỹ năng của mình để đảm bảo rằng mình luôn ở trong trạng thái thích ứng trước sự chuyển biến chóng mặt của lĩnh vực công nghệ, đặc biệt là trong thời đại cách mạng công nghệ 4.0 với nhiều bất ngờ mang tên AI.
Kết Luận
Theo quan điểm của mình, xu hướng hiện nay không chỉ giới hạn trong lĩnh vực SysOps hay DevOps mà áp dụng cho mọi ngành nghề đòi hỏi xử lý lượng thông tin lớn. Điều này có thể được coi là một sự phát triển đa năng trong thời đại công nghệ thông tin hiện nay. Đương nhiên, việc biết càng nhiều kiến thức càng tốt, đúng không?
Đây là một hành trình dài mà mình đang theo đuổi và hy vọng sẽ có những người bạn cùng đồng hành với mình. Bắt đầu từ vị trí SysOps như mình, để nâng lên mảng DevOps thì mình nghĩ sẽ gặp nhiều khó khăn hơn những bạn đã và đang theo mảng Dev và học thêm về System để lên mảng DevOps. Nhưng cũng đừng nên vội nản chí nhé! “Lửa thử vàng, gian nan thử sức“
Bạn nghĩ sao về vấn đề này? Hãy chia sẻ ý kiến của bạn bằng cách để lại bình luận dưới đây nhé!